Hotline: 0989.000.000    |   Liên hệ        
| 12/09/2016, 11:15 pm |

Phải chi bao nhiêu để làm giấy tờ nhà đất?


Để có được giấy tờ nhà đất, người dân trung bình phải lót tay 14,5 triệu đồng và thực tế, mức độ “chịu đựng tham nhũng của người dân ở khắp các tỉnh thành cũng ngày một tăng.


Thủ tục giấy tờ nhà đất quá rườm rà nên phải lót tay?





Theo số liệu khảo sát được Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) công bố vào ngày 10-8, trong năm 2015, tại TP. Hồ Chí Minh có hơn 28% người được hỏi đã tiết lộ, phải trả chi phí “lót tay” để làm xong thủ tục giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.


  • Theo đó, giá trị tiền “lót tay” trung bình là gần 14,5 triệu đồng mỗi lượt.

  • Mức độ “chịu đựng” tham nhũng của người dân ở khắp các tỉnh thành cũng ngày một tăng.

Nhiều người cho rằng thủ tục làm giấy tờ nhà đất quá rườm rà, họ muốn nhanh chóng nên đồng ý chung chi cho đội ngũ cán bộ nhân viên. Tuy nhiên, có thật sự là thủ tục phức tạp?

Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, những quy định luật pháp liên quan đến việc cấp giấy tờ nhà đất trên thực tế không có gì phức tạp. Tuy nhiên, vì hệ thống pháp luật nước ta qua nhiều thời kỳ không thống nhất, nhiều văn bản chồng chéo, không có sự hệ thống đầy đủ, rõ ràng dẫn đến việc một số cán bộ lợi dụng điều này để đòi hỏi.


“Trước một ma trận các quy định như hiện nay, người dân chỉ còn biết phụ thuộc vào sự hướng dẫn của đội ngũ cán bộ nhân viên, pháp luật cũng tạo điều kiện để những người này tùy nghi trong việc quyết định có hợp thức hóa quyền sử dụng đất của người dân hay không" - ông Nguyễn Thanh Hà nói.


Theo LS Bùi Quang Nghiêm - phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM, trên thực tế sự rườm rà trong thủ tục cấp phép giấy tờ nhà đất hiện nay phần nhiều là do một số cán bộ “đẻ” ra thêm, các quy định về luật pháp không yêu cầu quá nhiều điều phức tạp như một số người dân phải chịu khi đi làm thủ tục.


LS Nghiêm dẫn chứng nhiều trường hợp cán bộ đòi người dân phải nộp bản chứng nhận đã đóng phí trước bạ của những chủ sở hữu nhà đất trước đây. Người dân không liên lạc được với những chủ sở hữu trước để lấy được thông tin này đành chấp nhận "lót tay" để được “cho qua”.


Điều này là vô lý vì đáng lẽ cơ quan quản lý nhà đất hoặc bộ phận tài nguyên môi trường khi cấp quyền sở hữu đất nhà đất cho những người chủ trước thì đã phải nắm những thông tin này rồi, tại sao lại bắt người dân cung cấp?


Cũng không có quy định nào bắt buộc người dân phải nộp bản chứng nhận đã đóng phí trước bạ của những chủ sở hữu nhà đất trước, thế mà một số nhân viên làm thủ tục nhà đất vẫn hỏi đến.


“Trực tiếp đi làm giấy tờ liên quan đến xây dựng nhà đất, hợp thức hóa quyền sở hữu nhà đất mới thấy rắc rối và phức tạp như thế nào, đến nỗi người dân phải chi tiền cho các công ty dịch vụ, hoặc thậm chí phải đút lót trực tiếp cho bộ phận cán bộ, nhân viên mới làm được”, ông Bùi Quang Nghiêm nói. 


Từ năm 2009-2015 có gần 75.000 người thuộc 63 tỉnh, thành trên cả nước được UNDP khảo sát. Hà Nội và TP.HCM là hai địa phương có số lượng người tham gia khảo sát đông gấp ba lần các địa phương khác.


Đút lót để có giấy tờ nhà đất là bình thường?






Theo một chuyên gia về tâm lý xã hội, xuất phát từ một vài trường hợp muốn sử dụng đồng tiền để giải quyết thủ tục nhanh chóng, vấn đề này dần lan truyền, ảnh hưởng đến những người khác.


Có nhiều người dân chủ động đút lót cho nhanh việc. Chính điều này đã hình thành nên một thói quen và những suy nghĩ tiêu cực. Xã hội cũng dần có mặc định là khi đến các cơ quan công quyền thì phải “xì” tiền ra mới giải quyết được vấn đề. Do vậy yếu tố về ý thức, tâm lý đám đông và dư luận xã hội góp phần rất lớn làm cho vấn nạn này trở nên phổ biến.


Theo LS Nguyễn Thanh Hà, ý thức và kiến thức luật pháp của người dân hiện nay còn kém, nhiều người không nắm hết được quy trình, thủ tục làm giấy tờ, vì vậy nếu họ có mối quan hệ quen thân với cán bộ nhà đất thì sẽ có tâm lý muốn đút lót để giải quyết cho nhanh.


Việc chống tham nhũng là trách nhiệm của cơ quan chính quyền. Tuy nhiên trong vấn đề này, người dân cũng chịu tác động chính nên ý thức của họ góp phần rất quan trọng trong việc chống tham nhũng.


“Nếu người dân vẫn chọn cách chung chi tiền thay cho đấu tranh quyết liệt thì việc đẩy lùi tham nhũng vẫn rất khó khăn. Vai trò của người dân trong việc phòng chống tham nhũng rất quan trọng, đặc biệt trong vấn đề thủ tục đất đai”, ông Nguyễn Thanh Hà nói.



Theo Tuổi trẻ

« Quay lại

BÌNH LUẬN




© Copyright 2020 Kinhtesaigon.net, All right reserved
® Organize Vietnam Media & Trade Event
© Ghi rõ nguồn "Kinhtesaigon.net" khi phát hành lại thông tin từ website này.
® Cơ quan chủ quản: Tổ chức sự kiện và truyền thông Việt Nam