Sau cuộc khai quật từ con tàu đắm Cù Lao Chàm (Hội An), hiện vật chủ yếu là gốm Chu Đậu được chia cho 5 bảo tàng trong nước: Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Cách mạng TP. Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hải Dương và Bảo tàng Quảng Nam. http://bit.ly/2P5X4mF
Cuộc khai quật ở con tàu đắm Cù Lao Chàm (Hội An) đã trục vớt được 340 nghìn cổ vật, trong đó có 250 nghìn còn nguyên vẹn với trên 40 loại hình khác nhau, chủ yếu là gốm sứ Chu Đậu. Gốm Chu Đậu rất phong phú về loại hình: bát chân cao, bát chân thấp, đĩa lớn nhỏ các loại, chén, bình, nậm, lọ, hũ, tước, bình vôi, nghiên mực, bình tỳ bà, tượng người và một số loài động vật... Gốm Chu Đậu có nhiều loại men như men trắng hoa lam, men nâu, men tam thái (3 màu), ngũ thái (5 màu)...
Đề tài trang trí trên gốm từ phong cảnh đến người; các loại động vật như chim, cá, vịt, dê, long, lân, quy, phụng, long mã; các hoa văn hình học, mây nước, cánh sen... Hai trong số hàng chục loại gốm Chu Đậu gây ấn tượng, trở thành sản phẩm nổi tiếng, được ưa chuộng nhất với người sành đồ cổ là bình gốm hoa lam (còn gọi là bình củ tỏi) bình tỳ bà và nậm tỳ bà tam thái (Nậm dáng tỳ bà tam thái màu).
Nậm tỳ bà tam thái một trong những hiện vật quí hiếm và rất giá trị còn sót lại ở Việt Nam. *Sưu tập Vinh Tiên
Bảo tàng Lịch sử Việt Nam lưu giữ hầu hết các hiện vật độc bản có giá trị như ấm đầu phượng, ấm đầu gà, đĩa lớn trang trí hoa văn tam thái, hũ lớn trang trí hoa văn màu lam, tượng phụ nữ quí tộc... Điều thú vị là trong con tàu đắm Cù Lao Chàm không chỉ có gốm Chu Đậu mà còn có gốm Thăng Long. Bằng chứng là xuất hiện một số loại đĩa lớn trang trí hoa văn hình rồng bằng màu lam - những vật dụng được sản xuất từ thành Thăng Long, là đồ gốm sứ ngự dụng dùng trong cung đình và để xuất khẩu qua nhiều thời đại.
Sau này, khi khai quật Hoàng thành Thăng Long, các nhà khảo cổ học đã phát hiện nhiều đồ gốm có hoa văn rồng giống với đồ gốm tìm thấy từ con tàu đắm Cù Lao Chàm. Hiện nay chiếc đĩa hoa văn rồng, tượng người phụ nữ quí tộc, ấm đầu phượng... được các bảo tàng lớn ở Mỹ mượn trưng bày với yêu cầu bảo hiểm hiện vật rất cao.
Có một thời, gốm Chu Đậu trở thành một thứ hàng hiệu cao cấp được các thương gia và người tiêu dùng trên thế giới đều muốn được sở hữu. Thông qua con đường buôn bán, sản phẩm của làng gốm Chu Đậu có mặt khắp nơi trên thế giới, từ Ai Cập, Trung Cận Đông đến Đông Nam Á và rất nhiều ở Nhật Bản.
Đến nay đã có 46 bảo tàng của các nước trên thế giới trưng bày hiện vật gốm Chu Đậu. Riêng tại Nhật Bản có 20 bảo tàng sưu tập đồ gốm Việt Nam, những món đồ quý nhất phần lớn thuộc về Bảo tàng Mỹ thuật Fukuoka và Bảo tàng Gốm sứ Kyushu.
Tại các bảo tàng này có các cổ vật thuộc các dòng gốm Việt Nam thời Bắc thuộc, tiêu biểu là gốm xanh trắng và gốm màu Chu Đậu.
Phần lớn những hiện vật ở đây đều tuyệt hảo và toàn bích, do các bảo tàng này mua được trong những cuộc bán đấu giá cổ vật ở Nhật Bản, châu Âu và châu Mỹ, hoặc do các nhà sưu tập hảo tâm hiến tặng.
Cần lưu ý rằng vào thời điểm này, con tàu đắm Cù Lao Chàm chưa được khai quật, đồ gốm Chu Đậu chưa được biết đến nhiều như sau này. Vì thế, điều mà các bảo tàng ở Nhật Bản có được món đồ Chu Đậu toàn bích từ dáng kiểu đến men màu thể hiện tầm nhìn đáng khâm phục của các nhà sưu tầm đồ cổ và các nhà bảo tàng học ở xứ Phù Tang.
Bài viết của Tấn Vịnh - Hình ảnh #VinhTiên
© Copyright 2018 Kinhtesaigon.net, All right reserved
BÌNH LUẬN