Phát hiện 7 bệnh nhân nhiễm virus corona nhập
viện có triệu chứng giống bệnh SARS, bác sĩ Li Wenliang đã cảnh báo cho
các đồng nghiệp, nhưng khi đó, anh bị coi là phát tán “tin đồn thất
thiệt”.
Bác sĩ Li Wenliang (Ảnh: Mirror)
Cảnh báo trong nhóm kín
CNN đưa tin, vào ngày 30/12/2019, bác sĩ Li Wenliang đã gửi tin nhắn vào một nhóm trò chuyện với các bạn học cũ trong ngành y của mình trên ứng dụng WeChat để bày tỏ nghi vấn về việc kết quả xét nghiệm cho thấy 7 bệnh nhân từ một chợ hải sản địa phương nhập viện với các triệu chứng như SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng) và đã bị cách ly.
“Tôi chỉ muốn nhắc nhở các bạn học đại học của tôi phải cẩn thận”, bác sĩ Li chia sẻ.
Bác sĩ Li, 34 tuổi, làm việc tại một bệnh viện ở Vũ Hán cho biết, sau khi tin nhắn của anh được gửi đi, bạn bè của anh tiếp tục chia sẻ kín để cảnh báo người thân của họ.
Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau, ảnh chụp màn hình đoạn tin nhắn của Li được chia sẻ chóng mặt trên các mạng xã hội ở Trung Quốc. Tên của Li trong đoạn trò chuyện thậm chí không được bôi mờ.
“Khi tôi thấy đoạn tin nhắn lan truyền trên mạng, tôi biết mọi chuyện đã vượt tầm kiểm soát, tôi có thể bị trừng phạt”, bác sĩ Li cho biết. Thực tế, không lâu sau, cảnh sát Vũ Hán đã tìm đến và anh bị cáo buộc “lan truyền tin đồn thất thiệt”.
Một điều đáng tiếc nữa, mặc dù là người đầu tiên cảnh báo dịch viêm phổi nCoV, song chính bác sĩ Li cũng là một trong hơn 2.000 người nhiễm loại virus này.
Cuộc họp khẩn cấp
Cùng ngày bác sĩ Li cảnh báo bạn bè, Ủy ban Y tế Vũ Hán đã ra một thông báo khẩn cho các cơ sở y tế trong thành phố rằng, nhiều bệnh nhân từ chợ bán buôn hải sản Huanan mắc “viêm phổi lạ”. Thông báo đi kèm với một dòng cảnh báo: “Cấm bất cứ tổ chức hay cá nhân nào phát tán thông tin điều trị mà chưa được cơ quan chức năng cho phép”.
Sáng 31/12, giới chức y tế Vũ Hán họp khẩn cấp để thảo luận về dịch viêm phổi lạ. Sau đó, bác sĩ Li được triệu tập để giải thích tại sao anh biết được dịch bệnh, nhật báo Thanh niên Bắc Kinh cho biết. Hôm sau, giới chức Vũ Hán công bố dịch và thông báo cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Tuy vậy, những rắc rối của bác sĩ Li chưa dừng lại ở đó.
Số ca tử vong và nhiễm bệnh do nCoV ở Trung Quốc tăng nhanh. (Ảnh minh họa: AFP)
Ngày 3/1, Li tiếp tục bị cảnh sát địa phương triệu tập và bị khiển trách vì “phát tán tin đồn thất thiệt” và “gây bất ổn xã hội”. Li phải ký cam đoan là đã phát tán tin thất thiệt và cam kết không tái phạm. Sau hơn 1 giờ làm việc tại đồn cảnh sát, Li được phép ra về và tiếp tục công việc tại Bệnh viện trung ương Vũ Hán.
Không may cho bác sĩ trẻ này là, sau khi điều trị cho một bệnh nhân nhiễm virus corona Vũ Hán, hôm 10/1, anh bắt đầu triệu chứng ho và sốt. Bác sĩ Li nhập viện vào ngày 12/1. Vài ngày sau đó, tình trạng của Li trở nên tệ hơn buộc anh phải chuyển vào khoa điều trị tích cực và thở oxy. Đến ngày 1/2, anh phản ứng dương tính với nCoV.
Chậm trễ đối phó dịch
Hai tuần kể từ khi giới chức y tế Vũ Hán họp khẩn về dịch viêm phổi lạ, Ủy ban y tế thành phố Vũ Hán vẫn là nguồn duy nhất cập nhật thông tin diễn biến dịch. Giới chức y tế Trung Quốc vẫn khẳng định “không có bằng chứng nCoV lây từ người sang người” và rằng “dịch bệnh này hoàn toàn có thể ngăn chặn và kiểm soát được”.
Hôm 31/1, bác sĩ Li viết trên mạng xã hội Weibo: “Tôi thắc mắc tại sao các thông báo chính thức của chính quyền vẫn nói rằng không có chuyện lây từ người sang người và không có nhân viên y tế nào nhiễm bệnh”.
Các ca tử vong và nhiễm virus nCoV bắt đầu tăng đột biến kể từ giữa tháng 1. Đến ngày 17/1, giới chức Vũ Hán vẫn thông báo chỉ có 41 ca nhiễm, nhưng đến ngày 20/1 con số này đã lên 198 người. Chính phủ trung ương Trung Quốc vào cuộc với việc Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ đạo “tập trung mọi nỗ lực để ngăn dịch lan rộng” và nhấn mạnh đến việc cập nhật thông tin nhanh chóng, chính xác.
Dịch viêm phổi do nCoV bùng phát mạnh từ giữa tháng 1. (Ảnh: Reuters)
Cùng thời điểm đó, Zhong Nanshan, một chuyên gia về hô hấp của Trung Quốc, khẳng định trên truyền hình quốc gia rằng, nCoV có thể lây từ người sang người. Ba ngày sau, chính phủ Trung Quốc tiến hành phong tỏa Vũ Hán trong một động thái chưa từng có tiền lệ. Tuy nhiên, 5 triệu người ở thành phố này đã kịp rời đi trước lệnh phong tỏa do thời gian dịch bùng phát trùng với dịp nghỉ tết âm lịch.
Đến nay, nCov đã lan ra tất cả các khu vực ở Trung Quốc, kể cả những vùng xa xôi như Tân Cương hay Tây Tạng. Tính đến ngày 4/2, virus nCoV đã khiến 427 người tử vong trên thế giới (trong đó chỉ có 2 người ở bên ngoài Trung Quốc), và khiến hơn 20.000 người nhiễm bệnh.
BÌNH LUẬN