Dù Trung Quốc được nhận xét đã minh bạch hơn về số liệu trong đợt bùng phát dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới, chính quyền Mỹ vẫn không tin tưởng Bắc Kinh.
Tính đến sáng 16-2 đã có thêm 142 ca tử vong và 2.009 ca nhiễm COVID-19 tại Trung Quốc đại lục, nâng số ca nhiễm riêng tại đây lên 68.500, và 1.663 trường hợp tử vong. Trên toàn thế giới, số ca nhiễm là 69.197, tử vong 1.669 người. Có 9.465 ca khỏi bệnh.
Y tá mang khẩu trang trước dòng chữ về dịch SARS ở Canada năm 2003 - Ảnh: REUTERS
Tình hình COVID-19 tiếp tục diễn biến khó lường, gây áp lực lên Chính phủ Trung Quốc. Một trong những áp lực lớn nhất là tính minh bạch về số liệu.
Và không chỉ áp lực trong nước, Trung Quốc cũng chứng kiến sự cố ngoại giao với Mỹ khi một quan chức Nhà Trắng tuần trước khẳng định với CNBC rằng họ "không tin tưởng lắm vào thông tin từ Trung Quốc", liên quan tới ghi nhận về các trường hợp nhiễm virus corona chủng mới. Chưa kể, Trung Quốc dính cáo buộc "miễn cưỡng chấp nhận" sự giúp đỡ từ Trung tâm phòng chống và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC).
Bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan tới virus corona là chuyện xem ra khá kỳ quặc trong bối cảnh hợp tác quốc tế là nhân tố không thể thiếu trong thời đại này. CNBC ngày 15-2 lý giải nguyên nhân khiến Mỹ tỏ ra thiếu tin tưởng số liệu của Trung Quốc.
Nói về niềm tin, Mỹ đã từng thiếu tin tưởng Trung Quốc từ những năm 1950, thời điểm Washington cho rằng chính quyền trung ương Trung Quốc đưa ra những chỉ tiêu sản xuất phi thực tế, dẫn tới chính quyền địa phương phải báo số liệu giả.
Thứ hai, CNBC dẫn lời một số nhà phân tích nói rằng thông tin trong đợt bùng phát Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) năm 2003 và những số liệu kinh tế trái ngược suốt hai thập kỷ qua từ Trung Quốc càng khiến Mỹ tin rằng họ... không nên tin Trung Quốc.
Cụ thể, theo nhà nghiên cứu y tế công Yanzhong Huang tại Hội đồng quan hệ quốc tế, giám đốc Trung tâm nghiên cứu y tế toàn cầu (ĐH Seton Hall), Trung Quốc đã hứng chịu sự hoài nghi về cách xử lý khủng hoảng y tế từ năm 2003.
Theo đó, chính quyền Trung Quốc từng bị cáo buộc che đậy,
quản lý kém và chậm trễ trong đợt bùng phát đại dịch SARS, dẫn tới sự chỉ trích
rộng rãi từ các lãnh đạo thế giới khi nó lan ra hàng chục nước.
Đến nay, nhiều thông tin nói rằng ca SARS đầu tiên bắt đầu từ tháng 11-2002, còn cơ quan y tế Trung Quốc cảnh báo dịch bệnh hô hấp vào giữa tháng 12 cùng năm, nhưng phải mất vài tháng mới tiết lộ với công chúng, theo CNBC.
Tính tới ngày 11-2-2003, các quan chức y tế Trung Quốc báo cáo hơn 300 ca nhiễm SARS ở tỉnh Quảng Đông, nơi bùng phát dịch tương tự thành phố Vũ Hán ở tỉnh Hồ Bắc trong dịch COVID-19 lần này.
Có nhiều điểm tương đồng trong diễn biến của dịch SARS và COVID-19, khi Trung Quốc dù đã hành động tốt hơn rất nhiều như nhận xét của Huang, song vẫn bị cho chậm trễ. Bằng chứng là các quan chức Hồ Bắc đã bị cho thôi chức, giống như tình cảnh các quan chức y tế Trung Quốc cách đây 17 năm.
Câu chuyện về dịch bệnh cũng chỉ là một phần trong số rất nhiều lĩnh vực Mỹ tỏ ý không tin tưởng Trung Quốc, mà đơn cử là cáo buộc thao túng tiền tệ hoặc thiếu minh bạch về GDP mà chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm vào Bắc Kinh.
Hồi tháng 8-2019, chính quyền ông Trump đưa Trung Quốc vào danh sách quốc gia thao túng tiền tệ. Theo TS David Dollar, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Brookings (Mỹ), có khá ít bằng chứng cho thấy Trung Quốc tác động lên đồng tiền, song diễn biến ấy chỉ lột tả sự thật rằng quan chức Mỹ sa sút niềm tin vào Trung Quốc.
Viết bài: Nhật Đăng
Nguồn: TuoitreOnline
BÌNH LUẬN