Số ca tử vong và ca nhiễm cộng đồng đều tăng mạnh, Bộ Y tế sẽ tập trung đẩy mạnh tiêm chủng và điều trị cho ca bệnh nặng, và thực hiện chiến dịch bảo vệ người có nguy cơ.
Thủ tướng chủ trì cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 - Ảnh: V.V
Chiều 16-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính, trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, chủ trì cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo với các địa phương để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tới.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong đợt dịch lần thứ 4 cả nước đã ghi nhận 1,4 triệu ca nhiễm, hơn 1 triệu người đã khỏi bệnh, 28.500 ca tử vong. So với tuần trước, số mắc trong cộng đồng tăng 15,1%, số tử vong tăng 24,3%, số ca khỏi bệnh tăng 66,5%, số đang điều trị tại bệnh viện tăng 8,3%, số ca nặng, nguy kịch tăng 16,2%.
Mầm bệnh trong cộng đồng, biến chủng Delta lây lan nhanh
Mặc dù so với tháng trước, số ca cộng đồng cả nước tăng 186,4%, số ca tử vong tăng 102,6%, số ca khỏi bệnh tăng 187%, số ca đang điều trị tại bệnh viện tăng 153%, số ca nặng, nguy kịch tăng 62,2%, song Bộ Y tế đánh giá tình hình dịch trên toàn quốc cơ bản được kiểm soát.
Lý giải
ca nhiễm cộng đồng và ca tử vong tiếp tục có xu hướng tăng, Bộ Y tế cho
rằng sau khi thực hiện nghị quyết 128 và quyết định 4800 về thích ứng an
toàn, linh hoạt với dịch bệnh, các hoạt động xã hội trở lại bình
thường, người dân giao lưu đi lại bình thường.
Trong khi đó, mầm bệnh đã lưu hành trong cộng đồng, biến chủng Delta lây lan nhanh, đột ngột dẫn đến số ca mắc tăng cao và tăng số ca bệnh nặng và tử vong, gây quá tải hệ thống y tế một số địa phương.
Chưa kể, còn có tâm lý chủ quan, không thực hiện quy định về phòng, chống dịch 5K, đặc biệt là việc không đeo khẩu trang nơi công cộng. Những người tiêm vắc xin giai đoạn đầu miễn dịch sau tiêm sẽ giảm dần theo thời gian; đồng thời những người mới tiêm vắc xin cần có thời gian để sinh miễn dịch.
Trong bối cảnh đó, công tác chỉ đạo điều hành, giám sát phòng chống dịch được tập trung để ngăn chặn nguy cơ xâm nhập và lây lan của biến chủng mới; tăng cường rà soát công tác tiêm vắc xin; quản lý, điều trị người nhiễm COVID-19. Chuẩn bị phương án, kịch bản phòng, chống dịch trên địa bàn linh hoạt, khoa học, hiệu quả; đảm bảo an toàn dịch bệnh trong khu công nghiệp và trường học…
Đáng chú ý, còn tình trạng người dân lo lắng quá mức về tử vong do tiêm chủng nên không nhận tiêm cho người cao tuổi, người mắc bệnh nền, dẫn đến đa số các trường hợp tử vong nằm trong nhóm này. Dẫn chứng, theo báo cáo của TP.HCM, An Giang… tỉ lệ tử vong do chưa tiêm vắc xin hoặc chưa tiêm đủ 2 mũi chiếm khoảng 85%; hay tại TP.HCM người bệnh tử vong có bệnh nền chiếm 93.33%…
Viết bài: N.An
Nguồn: Báo Tuổi trẻ
Cập nhật: #VinhTiên
BÌNH LUẬN